Trình bày điểm mạnh, điểm yếu trong CV như thế nào để thu hút nhà tuyển dụng?
28/03/2024
Bài viết này của chúng tôi sẽ chia sẻ cách bạn có thể mô tả điểm mạnh và điểm yếu một cách khéo léo trong CV của mình. Bằng cách này, bạn có thể tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng và thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như sự tự tin trong quá trình xin việc.
I. Vì sao cần trình bày điểm mạnh điểm yếu trong CV?
1. Ý nghĩa của việc trình bày điểm mạnh, điểm yếu trong CV với ứng viên
Việc thêm điểm mạnh điểm yếu trong CV của bạn sẽ giúp lấp đầy khoảng trống của CV nếu bạn là sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm để điền và CV của bạn chưa dài đủ 1 trang.
Đây cũng là những thông tin giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về con người của bạn. Hơn nữa, bạn cũng có thể khéo léo, kết nối những điều này với các yêu cầu, kỹ năng và khả năng cho công việc mà bạn muốn ứng tuyển.
Không phải ai cũng dám dũng cảm đề cập một cách chân thực đến những điểm yếu của mình trong bản CV xin việc. Vì vậy, nếu bạn thêm một chút thông tin này vào CV của mình, nhà tuyển dụng sẽ chắc chắn ấn tượng với bạn.
2. Ý nghĩa của việc trình bày điểm mạnh, điểm yếu trong CV với nhà tuyển dụng
Khi bạn không chỉ tập trung vào việc nêu bật điểm mạnh mà còn đề cập đến những điểm yếu trong CV của bạn, nhà tuyển dụng sẽ thấy được bạn đang làm tốt điều gì và cần cải thiện điều gì.
Một lý do khác là nhà tuyển dụng sẽ đánh giá xem bạn có phù hợp với văn hóa làm việc ở đây hay không dựa trên những gì bạn chia sẻ, đặc biệt là những điểm mạnh mà bạn liệt kê trong CV.
II. Trình bày điểm mạnh, điểm yếu trong CV như thế nào để thu hút nhà tuyển dụng?
1. Điểm mạnh
Trước khi trình bày các điểm mạnh của bản thân vào CV xin việc, bạn cần phải biết rõ điểm mạnh của mình là gì. Nếu như bạn không biết mình có khả năng đặc biệt ở lĩnh vực nào, có thể xin review từ bạn bè xung quanh hoặc làm những bài test tính cách trên internet để hiểu rõ về bản thân mình hơn.
Sau khi đã liệt kê được một vài điểm mạnh của bản thân, hãy đọc kỹ bản mô tả công việc và xem xét xem điểm mạnh nào của bạn phù hợp với công việc, vị trí mà bạn ứng tuyển. Hãy ghi lại những thế mạnh đó vào trong CV chứ đừng liệt kê một cách tràn lan nhé.
Hãy đặt những điểm mạnh trước những điểm yếu để tạo nên một CV logic và gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng. Bạn có thể chia các điểm mạnh của mình ra thành 3 nhóm chính sau:
- Điểm mạnh liên quan đến kỹ năng cứng: Tùy vào mỗi ngành nghề mà bạn có thể trình bày những điểm vượt trội trong chuyên môn của mình cho nhà tuyển dụng thấy. VD như bạn thành thạo một số phần mềm chỉnh sửa ảnh khó, đẹp mà ít người biết dùng.
- Điểm mạnh liên quan đến kỹ năng mềm: Có thể kể đến như biết cách quản lí, sắp xếp thời gian và công việc hợp lí, giao tiếp tốt, biết lắng nghe phân tích, tiếp thu ý kiến,...
- Điểm mạnh về tính cách: Là những thế mạnh, điểm tốt trong tính cách, con người bạn phù hợp với vị trí công việc như hòa đồng, nhiệt tình, tỉ mỉ, cẩn thận, ham học hỏi, sáng tạo,...
2. Điểm yếu
Điểm yếu là phần thông tin giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về những phần bạn cần cải thiện. Thế nhưng không nên ghi quá nhiều điểm yếu mà chỉ nên ghi 1-3 điểm yếu trong ba nhóm sau:
- Điểm yếu liên quan đến chuyên môn có thể kể đến như thiếu kinh nghiệm làm việc, kiến thức về một số công cụ hữu ích trong công việc hoặc không trình độ chuyên sâu về chuyên ngành...
- Điểm yếu liên quan đến kỹ năng mềm ví dụ như kỹ năng giao tiếp, khả năng linh hoạt trong công việc chưa tốt, áp lực công việc cao có thể dẫn đến sự mất kiên nhẫn, tự tin kém, khả năng tổ chức công việc và quản lý thời gian không hiệu quả...
- Điểm yếu về tính cách như một số trường hợp thiếu kiên nhẫn, hơi nóng giận,...
III. Khi trình bày điểm mạnh, điểm yếu trong CV xin việc cần lưu ý những điều gì?
- Viết CV cần chọn từ cẩn thận, tránh tự cao. Để ghi điểm mạnh, hãy sử dụng từ ngữ khôn ngoan. Không nên dùng từ "siêu", "đỉnh", "giỏi" vì có thể làm CV trở nên quá tự phụ.
- Để bố cục CV logic, bạn có thể gộp kỹ năng và điểm mạnh vào một mục cuối. Hoặc tạo mục riêng cho điểm mạnh và yếu để đặt ở cuối trang, giúp thông tin quan trọng được ưu tiên.
- Xem xét vị trí công việc để đề cập đến điểm mạnh phù hợp với vị trí ứng tuyển như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, tin học văn phòng hoặc năng khiếu.
- Tránh liệt kê quá nhiều điểm mạnh và yếu để tránh làm CV quá lố hoặc gây bất lợi. Chỉ nên chọn tối đa 3 điểm yếu và 5 điểm mạnh để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
Mong rằng sau khi đọc hướng dẫn ở trên, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi phải trình bày về điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân trong CV xin việc hay khi đi phỏng vấn. Quan trọng nhất, bạn cần nhớ luôn tuân thủ nguyên tắc khi trình bày thông tin trong CV theo những lưu ý ở trên để bản CV được chuyên nghiệp, phù hợp với môi trường công sở nhé.